Tình Tự Quê Hương: Nước Mắm!
Trong một bửa ăn chiều tại nhà một
người bạn tại Toronto, khi bên ngoài lành lạnh,
ánh nắng chiều không còn đủ ấm để
bước ra khỏi nhà…từ nhà bếp "dã chiến"
mùi nấu, nướng, chiên, xào ngào ngạt muì mắm. Anh
chị chủ nhà, như bao nhiêu gia đình Việt ở
quanh đây, có một cái lò đặc biệt ở ga-ra
dùng nấu mắm. Anh nói "xứ lạnh,
phòng ốc kín như cái hộp, mình lại thích ăn mắm,
làm sao nấu được trong nhà? Thôi đành cho ra nhà xe thôi."
Chờ đợi đến bữa và được
ăn những món mà mình thích có lẽ là điều hạnh
phúc?
Nhiều người trong chúng tôi tán gẫu để
đánh lừa cái bao tử đang kều "rồn rột".
Một chuyện được đề cập đến
là chuyện anh Huỳnh Hưng, một tay đầu bếp
trẻ tại Las Vegas, vừa đoạt giải quán quân
đầu bếp giỏi…anh thắng giải cuộc thi tại
một thành phố ở tiểu bang Colorado. Điều
đặc biệt giúp anh thắng được
hai đối thủ khác để giựt giải là nhờ
món vịt nấu chao…có nêm nước mắm. Oâi chao
ơi!
Vạn tuế nước mắm. Qua các bài báo được
đăng tải, người đọc có thể biết
được anh Hưng đã dùng nước mắm
để nêm nếm thức ăn…và nhờ nước mắm
cho nên thức ăn của anh có hương vị đặc
biệt làm ngất ngây mấy ông bà giám khảo. Tôi tin chuyện
này là có thật, chắc chắn anh Hưng có dùng nước
mắm; cho dù báo có đưa tin hay không đưa tin thì tôi
vẫn chắc nịch, chắc như đinh đóng cột
là có chém chết anh Hưng phải dùng nước mắm
trong khi nấu nướng. Nhiều người bạn
không tin chuyện đó. Anh ta lý luận "Anh Huỳnh
Hưng mới có 29 tuổi, có nghĩa là anh ta sanh năm 79,
80 …thì làm sao biết nước mắm mà nên với nếm."
Để cho lập luận mình đứng vững anh dẫn
chứng "Con các ông bà đây nầy, sang ngoại quốc
khi qua cái tuổi nhi đồng…mà mới có vài chục
năm nó đã quên cái hương vị quê nhà…thì những
anh nhô sanh tại nước ngoài làm sao biết đến
mắm." Anh bạn nói thì kệ anh, có lẽ anh và nhiều
gia đình Việt khác, có thể đã quên mất vị
nước mắm? Cũng khó nói lắm, San Jose hoặc quận
Cam có đông người Việt, có chợ Việt, quán
ăn Việt…những món quốc hồn quốc túy
như: Chả cá lã Vọng, Bún Chả Đồng Xuân, Lẫu
Mắm, Cơm Hến, bún rêu, canh bún, chả cá thì là, canh
chua cá Bông Lau, thịt kho hột vịt…nhóc ra
đó cho nên mắm không bị đưa vào quên lãng, những
nơi xa xôi…sống "xen canh" với Mỹ, Mễ,
Tây, Đầm…thì mắm bị quên là phải.
Nhắc đến mắm, có ai thấy nhiểu nước
miếng chưa? Nếu chưa thì nhắc thêm Mắm
Đường Xoài Xanh, Mắm Me Lẫu Lươn…Aí chà
chà! Nước miếng đã trào ra họng. Thèm quá đi
thôi. Mắm! Thử ăn canh chua mà thiếu dĩa mắm ớt
xanh, thịt kho nêm xì dầu nước tương, bánh xèo
chấm tàu vị iểu…thì biết liền. Nhưng trong cuộc sống,
nếu bạn lỡ miệng nói một câu gì đó…xúc phạm…thì
người bên cạnh có thể nhắc bạn như vầy
"Miệng ăn mắm, ăn muối đừng nói vậy
hổng nên.." hoặc đại loại những câu nôm
na tương tự…Như vậy, miệng ăn mắm
nói "linh" lắm hay sao mà người ta sợ dữ
vậy cà?
Miệng ăn mắm, ăn muối …Mắm đã đi
vào đời sống người Việt như thế
đó. Thật đúng, trong bữa ăn của gia đình
Việt Nam đều có một chén nước chấm,
đó là chén nước mắm. Nước mắm là thứ
nước chấm của Việt Nam. Người Việt,
dường như, không thể không ăn nước mắm,
không có nước mắm là món ăn, bữa ăn mất
ngon, mất hương vị….và coi như là mất tất
cả. Có nhiều người còn đòi cho được
nước mắm "sống", nghĩa là còn nguyên chất
từ trong chai rót ra chớ không pha chế thêm một phụ
tùng nào khác.
Nhiều món ăn được quyết định bởi
chén mắm. Nấu phải nêm nếm bằng mắm đã
đành; còn các món cá kho, thịt kho ướp nước mắm,
đến chiên, xào, nướng, luộc, canh… cũng cần
mắm. Nói tóm lại thì bất cứ món ăn nào cũng
phải có nước mắm. Nước mắm đã thấm
vào huyết quản của mỗi người từ thuở
bé thơ cho đến lúc trưởng thành, nó đã hình
thành và ảnh hưởng sâu đậm đến khẩu
vị của từng người. Cho dù đi bất cứ
đi đâu cũng không thể nào quên được
hương vị đậm đà trong chén nước mắm.
Đó chính là một phần của đất của
nước của con người; đó chínhlà hương
vị quê nhà trong ký ức không thể phai mờ của từng
người Việt. Nói không sợ bị rầy thì
"Cái hồn của món ăn Việt chính là nước mắm!"
Kể về Mắm thì Việt Nam có nhiều loại mắm có nước,
gọi là nước mắm như: Nước mắm tôm,
nước mắm mực, nước mắm cua, nước
mắm cua gạch son… Ngoài ra bên cạnh các loại mắm
nước, dân Việt còn có loại mắm cái (đã có
nước thì phải có cái) như: Mắm cá cơm, mắm
cua, mắm ba-khía, mắm lóc, mắm linh, mắm sặc, mắm
ruốc, mắm tôm…v.v.
Nước mắm người Việt thường dùng
đã được làm từ một loại cá biển:
Cá Cơm (thú
thật tại sao gọi là cá Cơm không gọi là các Cháo,
cá Xôi…còn phải vài ba chục trang giấy mới nói hết)
loại cá nhỏ bằng ngón tay, màu trắng ngà ngà; con cá
cơm từa tựa như con cá lòng tong ở sông, suối,
ao, hồ nước ngọt. Về kỹ thuật làm
nước mắm thì Phan Thiết và Phú Quốc nổi
danh. Cá Cơm đem về ủ, ngâm, muối…với muối
hột trong một thời gian nhất định, sau
đó pha chế, chắt, gạn, lọc…v.v. mới ra
được thứ nước màu nâu hổ phách gọi
là nước mắm. Nhiều người cho biết chất
nước đầu tiên chảy ra từ con cá ngâm ướp
muối…gọi là mắm nhỉ, chưa có thể ăn
được. Mắm nhỉ được quảng cáo
là ngon hết ý phải được thông qua một quá
trình chế biến nhà nghề mới thành. Nước mắm
thông dụng trên thị trường (dù là loại thượng
hảo hạng, hoặc được quảng cáo là: Mắm
Nhỉ) cũng không phải là loại mắm nhỉ
đâu nhé. Tại sao gọi là mắm nhỉ. Chà! Chà! Cái này
mới khó nói à nghe. Một người quê ở Phan Thiết
cho biết "Mắm nhỉ tại vì nó nhỉ (chảy
ri rỉ) ra từ thùng mắm, nó là nước cốt,
nước nhất…của vựa mắm." Đúng? Sai?
Tôi mà biết? Chết liền. Tìm những ai sinh quán Phan Thiết,
Phú Quốc, hoặc là chủ vựa mắm hỏi thử
coi sao.
Nói về cách ăn nước mắm, không phải là rót ra
chén rồi chấm thức ăn vào. Tuyệt nhiên là không phải
rồi. Cách ăn của người Việt rất đặc
biệt, tuỳ miền và tùy món ăn. Khi dùng nước mắm
nguyên chất thì ở cả ba miền Bắc Trung Nam không
có gì khác nhau. Nhưng đến khi pha chế thì có sự
khác biệt; cũng dể hiểu thôi, vì món ăn mỗi
miền mỗi khác. Đại để có thể như vầy
(theo lời kể của người ta thôi nhé, không bảo
đảm 100%) Miền Bắc thích nước mắm pha với
nước lạnh, giấm, (hoặc chanh) và ít đường
cát. Có người cầu kỳ hơn thì nước dùng
để pha với nước mắm phải là nước
luộc thịt thăn heo (tại sao phải dùng thịt
thăn mà không là thịt nạc đùi, xương, hoặc…cái
gì khác? Vậy mới có chuyện nói.) Nam Kỳ thì dùng
nước dừa xiêm pha với nước mắm, chanh,
đường, ớt. Dân Sài Gòn không cầu kỳ như
vậy đâu. Muốn làm nước mắm pha để
ăn với các loại thức ăn như Chả Giò,
Bánh Cuốn, Bún Thịt Nướng, Khô Bò, Bánh Cống…v.v.
người ta chỉ nấu nước mắm với
nước lạnh và đường; nước mắm
pha ngon hay dỡ là do ở liều lượng giữa
nước, đường, và mắm. Đó là thước
đo người nội trợ khéo là chỗ này đây.
Đừng tưởng bở nhé. Pha được chén
nước mắm ăn cho đã miệng với bún thịt
nướng, hít hà với dĩa bánh cuốn, hoặc dĩa
khô bò, cái bánh xèo…không phải ai cũng được điểm
mười. Mách nhỏ như vầy. Những độc
giả đờn ông hôm nào thử hỏi bà nhà coi sao?
Ở đất Thần Kinh, pha nước mắm với
nước luộc tôm để ăn với bánh nậm,
bánh bèo, bánh bột lọc, bánh lá…v.v. Ở Nha Trang có nước
mắm ngò (nghe lạ quá, đồng hương Nha Trang xin
xác nhận cho biết.) Cách làm như thế nầy: Dùng ngò
rí giã nhuyễn pha với nước mắm, chanh,
đường. Ở Phan Thiết (Xin bà con Phan Thiết
đính chánh giùm, nếu có sai sót) có loại nước mắm
pha rất đặc biệt: Mắm cà và mắm
thơm. Cà chua lựa trái chín luộc qua, bỏ hột và vỏ
xong quết nhuyển với ớt sừng trâu, tỏi, rồi
đem pha với nước mắm và đường.
Nước mắm thơm khi chế biến phải chọn
trái thơm chín; vắt nước, nấu sôi đến
lúc nước thơm cô đọng thì cho nước mắm,
đường vào quấy đều.
Còn nhiều loại mắm rất đặc biệt
chỉ nghe qua chớ chưa được thưởng
thức lần nào; chẳng hạn nước mắm cua:
Cua đồng của Ba Xuyên, Sóc Trăng. Hàng năm vào mùa
nước nổi ngập đồng là lúc cả xóm cả
làng rủ nhau đi bắt cua. Tối đến cua đồng
bắt cặp đen nghẹt cả mặt ruộng
đang chờ sạ lúa, cua đầy nhóc bắt đến
mỏi tay. Cua mang về lột mai rửa sạch, giã nhỏ
trộn với tỏi, thính, đường, muối hột
rồi gài vào việm hoặc thau đem phơi nắng khoảng
tuần lễ. Lúc cua trở màu đỏ au thì đem nấu
nước mắm. Cách nấu rất quan trọng, tốn
cả ngaỳ và phải vớt bọt và xác cua thật sạch
thì nước mắm mới để được lâu.
Nước mắm nấu xong có màu nâu cánh gián trong vắt,
vị ngọt đậm, mùi khá nặng không thể lẫn
lộn với bất cứ thứ nước mắm nào
khác. Nước mắm cua đồng dùng để nêm nếm,
ăn với canh chua cá lóc. Và nước mắm cua gạch
son (gạch cua đỏ như son) miệt U Minh, là một
kiểu nước mắm cầu kỳ. Cua gạch rửa
sạch, bỏ vào hũ, muối đúng bảy ngày. Sau
đó lấy ra đánh tan gạch cua với lòng đỏ
trứng gà, đường, và trộn với thịt cua
được lấy từ con cua đã muối. Một
con cua chỉ làm được ít chén nước chấm
nhỏ. Nước chấm cua gạch son không thể làm
nhiều để dành được, vì sang ngày thứ tám
thì chúng chuyển mùi, đổi vị. Mắm Cua Lột Gò
Công. Ở Gò Công vào múa lúa ngậm đòng đòng, cua đồng
lột vỏ, dùng loại cua này làm mắm, có muối
đuờng, thính…làm nên một loại mắm rất độc
đáo, ngon thơm và ăn với thịt heo luộc cuốn
bánh tráng, rau ghém.
Làm mắm đã công phu, ăn mắm là một nghệ thuật.
Nói thiệt không nói giỡn chơi. Canh chua dứt khoát phải
ăn với nước mắm sống thêm vài lát ớt.
Bánh cuốn, chả giò, bánh xèo, cơm tấm phải ăn
với nước mắm chua ngọt có trộn củ cải,
cà rốt xắt chỉ. Nước mắm ngò, nước
mắm cà chua, nước mắm thơm ăn với cá biển,
mực, ốc…v.v. Món cá thì khác, mỗi loại cá đều
có một thứ nước mắm khác nhau không thể thay
thế. Cá trê, cá rô nướng thì có nước mắm gừng,
hay các món lươn ăn với nước mắm me(?) Cá
chiên ăn với mắm ớt tỏi chanh đường,
cá lóc, cá bông lau hấp, nướng cuốn bánh tránh phải
ăn với nước mắm pha chua ngọt…v.v. Món nào có
nước mắm riêng cho loại đó. Nhiều người
kể rằng cá tra chấm với nước mắm gừng
thì…nó sẽ trở mùi khó chịu.
Nước mắm, sách báo ngoại quốc viết là Fish
Sauce, nhưng cũng có số viết (đặc biệt
là sách dạy nấu ăn) "sauce nuoc mam" chứ không
xài "fish sauce". Chỗ nầy cũng nên đề nghị
bà con ta nên dùng chữ "Nuoc Mam" như một danh từ
riêng đi nhé, đặt tên cho loại đặc sản
Việt Nam. Nếu gọi là Fish Sauce thì hỏng bét. Fish
Sauce chẳng có liên hệ gì đến nước mắm
hết cả, đó là loại thông dụng nhất chưa
kể đến các loại nước mắm ăn với
các món ăn đặc biệt vừa kể ở trên. Hãy
tập dùng tiếng nước mình để dạy cho
người bạn ngoại quốc biết hương vị
quê ta. Ví như ta có món Chả Giò, thì cứ Cha Gio cho tiện,
món ăn nầy không liên hệ gì đến cái món có tên Eggs
Roll hết cả, như thế mà nó cứ bị đồng hóa. Eggs Roll
là Tàu, Chả Giò là Việt…Thế các món ăn khác, người
ngoại quốc rất thích vì hương vị và sự
không gây mập phì của nó như Gỏi Cuốn, Bì Cuốn,
Bún Thang, Bún Mộc…thì ta sẽ giới thiệu với bạn
bè ngoại quốc như thế nào?
Trở lại chuyện mắm. Nói đến mắm không
thể không nhắc đến các món măm độc nhất
vô nhị của Việt Nam. Khái lược có Mắm Ruốc, Mắm
Tôm, Măùm Tôm Chua, Mắm Tôm Chà, Mắm Cua Lột…và Mắm
và Rau. Các loại mắm kể trên có thể dùng chế biến
các món ăn .
Nhiều bạn
từ miệt ngoài khi đến đồng bằng lục
tỉnh nghe có món mắm và rau với giọng rặt Nam Kỳ
thì nó thành như vầy: Mắm Già Rau. Người bạn
diễn dịch "Ừ, món đó làm bằng một loại
mắm GIÀ RAU…cũng như món Bò Hóc của Miên vậy."
Nếu hạch hỏi tiếp "Vậy "mắm già
rau" ăn với cái gì?", "Thì ăn với thức
ăn nào chẳng được, nó là mắm mà; nhưng
người ta thường ăn với bún." Í Mèn
đét quỷ thần thiên địa ơi…dân lục tỉnh
nghe qua chuyện này chắc cười ngã lộn cổ xuống
sông, xuống lạch luôn. Bây giờ thì Mắm và Rau đã
phổ biến thành đặc sản thời khai hoang rồi
cho nên ít bị lầm lẫn.
Như tên gọi,
đó là món ăn rặt Nam Kỳ chỉ có Mắm và Rau
thôi không có gì khác. Sau nầy người ta ăn thêm bún, chế
biến thành lẫu mắm… cho thêm hương vị. Ban
đầu Mắm và Rau là món ăn của dân trên sông nước,
đồng rộng…chẳng có gì ngoài mắm và rau. Mắm
là mắm cá linh, cá lóc, các sặt. Rau là rau trên đồng.
Rau đủ loại, càng nhiều càng có hương vị
đồng nội…nào là đọt xoài, đinh lăng, bông
súng, điển điển, giái mít, rau rút, tai vị…v.v.
Nấu mắm với sả, cà tím, cá lóc…vớt
xương, thêm nhiều nước cho vị mặn giảm
bớt và ăn với rau, ăn cho đến no thì thôi. Sau nầy tất cả
đem lên bàn tiệc, dọn ra nhà hàng thêm cầu kỳ và
biến chất. Ai đã ăn mắm và rau trên cành đồng
nước nổi Tháp Mười mới nhận ra hết
được sự giàu có của cánh đồng miền
Nam, chất anh hùng hảo hán của dân quê trên cánh đồng
nước nổi.
Mắm…đơn giản đến trần truồng, mộc
mạc đến độ thô kệch. Không có mắm bữa
ăn Việt mất ngon. Mắm gần gủi thân quen
trong từng huyết quản. Và mắm theo bước chân
Việt Nam đi cùng trời cuối đất. Ước
gì tại San Jose vào một ngày có chút mưa phùn gió lạnh,
có người nấu nồi mắm mời mình đến
ăn. Cứ xì xụp rau và mắm, mấm và rau để nhớ rằng
dù có 5, 7 đời thì người Việt vẫn là người
Việt…có nhuộm tóc, bỏ ăn mắm…Việt Nam vẫn
gốc Việt Nam đi từ Động Đình Hồ
qua đến tận Mỹ Quốc…mắm vẫn đi
theo cùng người.
Lê Bình
(Bài viết có sự tham khảo sách Việt Nam Văn Hóa Sử
Cương, GS Dương Quảng Hàm. Huongvịquenha.com).
main menu